Cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ảnh hưởng đến đường hô hấp trên và dưới. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu giúp người bệnh có phương pháp điều trị hợp lý, ngăn ngừa biến chứng không mong muốn có thể xảy ra. Bài viết dưới đây, Monapharm sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về dấu hiệu cúm ở người lớn và trẻ em.
Cúm là bệnh gì?
Cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ảnh hưởng đến đường hô hấp trên và dưới. Bệnh cúm thường do nhiều loại virus gây ra, một số loại có thể lây từ động vật sang người, từ người sang người.
Các loại virus này lây truyền qua giọt hô hấp bắn ra từ miệng và đường hô hấp khi người bị cúm ho, nói hoặc hắt hơi. Ngoài ra, virus cúm có thể lây truyền khi chạm vào các vật dụng bị nhiễm virus.
Cúm có thể lây truyền từ trước khi người mang virus có triệu chứng và khả năng lây truyền có thể kéo dài cho đến 5-7 ngày sau khi bị bệnh.
Cúm lây lan nhanh theo mùa, các đợt bùng phát thường vào mùa thu và mùa đông ở các khu vực ôn đới, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác nhau bao gồm người lớn và trẻ em ở mọi độ tuổi và mức độ nghiêm trọng cũng sẽ khác nhau.
Biểu hiện và triệu chứng của bệnh cúm ở người lớn
Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm dao động từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào độ tuổi, bệnh đi kèm, tình trạng tiêm chủng và khả năng miễn dịch tự nhiên với vi-rút. Thông thường, những bệnh nhân được tiêm vắc xin theo mùa có các triệu chứng nhẹ hơn và ít có khả năng phát triển các biến chứng.
Các triệu chứng của cúm thường xuất hiện đột ngột, một số người có thể xuất hiện biến chứng sau khi bị bệnh, các đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:
- Bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Trẻ nhỏ suy dinh dưỡng.
- Phụ nữ có thai.
- Người già.
- Người suy giảm miễn dịch.
Các triệu chứng phổ biến thường gặp ở bệnh nhân cúm bao gồm:
- Sốt cao đột ngột.
- Đau đầu, đau nhức cơ, một số bệnh nhân có thể đau khớp.
- Ho, thường là ho khan.
- Đau họng.
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi.
- Các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy nhưng thường phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
- Đau nhức cơ thể, ớn lạnh.
- Mệt mỏi.
Hầu hết các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau 1 hoặc 2 tuần nhưng với một số bệnh nhân khác, các triệu chứng có thể kéo dài hoặc xuất hiện biến chứng nghiêm trọng.
Triệu chứng cúm ở trẻ em
Hàng năm, có hàng triệu trẻ em bị cúm. Cúm có thể là bệnh lý nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi do có nguy cơ cao xuất hiện biến chứng liên quan đến cúm.
Các biến chứng do cúm ở trẻ em dưới năm tuổi có thể bao gồm: viêm phổi, mất nước, làm nặng thêm các bệnh mãn tính như hen suyễn, rối loạn chức năng não, các vấn đề về xoang và nhiễm trùng tai.
Do đó, nếu trẻ dưới 5 tuổi và có các triệu chứng giống cúm thì cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng:
- Khó thở.
- Đau tức ngực.
- Ho nhiều đờm, đờm có màu xanh, vàng hoặc lẫn máu.
- Các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Mắc kèm một số bệnh lý khác nhau viêm phế quản, viêm xoang, nhiễm trùng tai.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc cúm
Một số người có nguy cơ cao mắc bệnh cúm nặng và biến chứng liên quan đến bệnh cúm bao gồm:
Người lớn trên 65 tuổi.
Trẻ em dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
Phụ nữ có thai.
Người đang gặp các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, giãn phế quản, xơ nang,…
Người bị bệnh tim, tiền sử đột quỵ.
Bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
Bệnh nhân tiểu đường hoặc mắc các rối loạn chuyển hóa mãn tính khác.
Người suy giảm hệ thống miễn dịch do bệnh tật (HIV, AIDS) hoặc thuốc (corticosteroid mãn tính, hóa trị liệu).
Bệnh nhân suy giảm chức năng gan.
Bệnh nhân thiếu máu nặng.
Trẻ em và thanh thiếu niên đang điều trị bằng aspirin trong thời gian dài.
Điều trị bệnh cúm
Hầu hết các trường hợp không cần điều trị mà bệnh có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày sau khi mắc bệnh.
Các bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus nếu các triệu chứng có dấu hiệu nặng. Các thuốc kháng virus được kê đơn nhằm mục đích rút ngắn thời gian mắc bệnh đồng thời làm giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, thuốc kháng virus nên được sử dụng trong vòng 48 giờ sau khi bạn xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Thuốc kháng sinh thường không được kê đơn trong các trường hợp mắc cúm vì nguyên nhân mắc cúm là do virus. Việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Một số trường hợp bệnh nhân bội nhiễm vi khuẩn thì thuốc kháng sinh có thể được chỉ định.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm các thuốc không kê đơn như thuốc hạ sốt paracetamol và ibuprofen để làm giảm triệu chứng, tuy nhiên cần sử dụng đúng khuyến cáo của dược sĩ.
Có thể sử dụng thêm nước súc miệng, thuốc làm dịu niêm mạc họng, thuốc xịt mũi, viêm ngậm đau họng để làm giảm nhẹ triệu chứng.
Các biện pháp phòng ngừa cúm
Biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm là tiêm vắc xin hàng năm, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể được tiêm vắc xin phòng cúm. Tiêm vắc-xin phòng cúm cho những người thường xuyên tiếp xúc gần với những người có nguy cơ mắc bệnh cúm nặng cao hơn (như nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc tại nhà và các thành viên gia đình) sẽ giúp bảo vệ những người có nguy cơ cao hơn. Tiêm vắc xin cúm là việc làm cần thiết hàng năm vì các chủng virus cúm liên tục thay đổi (biến đổi). Vắc xin được chuẩn bị hàng năm để phù hợp nhất với các chủng được dự đoán cho mùa cúm sắp tới. Tiêm vắc xin rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng do vi-rút cúm.
Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người có nguy cơ cao.
Hạn chế tụ tập ở những nơi đông người.
Rửa tay thường xuyên, thực hành tốt vệ sinh nhà cửa.
Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ nhằm nâng cao sức đề kháng, giảm khả năng mắc bệnh.
Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
Không sử dụng chung cốc, dao kéo, đồ dùng với người bệnh.
Súc miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, vệ sinh mũi họng thường xuyên.
Đối với người bệnh, ưu tiên uống các loại nước ấm, tăng cường dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình miễn dịch của cơ thể, rút ngắn thời gian bị bệnh.
Kết luận
Hàng năm, bệnh cúm ảnh hưởng đến hàng triệu người gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào chủng loại, khả năng miễn dịch của mỗi người và tình trạng tiêm vắc xin. Mặc dù vắc-xin cúm không hiệu quả 100%, nhưng nó có thể làm giảm cường độ và thời gian kéo dài của các triệu chứng ở hầu hết người bệnh.
Tài liệu tham khảo
A M Alguacil-Ramos và cộng sự. Rapid assessment of enhanced safety surveillance for influenza vaccine. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2024 từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30769245/